vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Độc đáo chợ phiên Ba Đồn Quảng Trạch Quảng Bình

"Ba Đồn một tháng sáu lần/Chợ phiên tụ điểm xa gần bán mua",câu ca lưu truyền trong dân gian gợi về một nét đẹp riêng của một ngôi chợ nằm ở bờ Bắc con sông Gianh huyền thoại. Đó chính là chợ Ba Đồn ở huyện Quảng Trạch, một trong những chợ cổ nhất của tỉnh Quảng Bình. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên, tạo nên vẻ độc đáo có tính chất truyền thống bởi ngay trong lòng một thị trấn đang hiện đại hóa từng ngày lại có một nét văn hóa xưa vẫn đang tồn tại. Ký ức một thời

Theo lịch sử, thuở xưa chợ Ba Đồn ở tại địa phận làng Phan Long. Chợ Ba Đồn cổ chỉ đóng dưới một vòm cây đại thụ, cao hàng chục mét, có tán lá rộng. Sở dĩ có tên là Ba Đồn là vì về đời Hậu Lê, Chúa Trịnh có lập ba đồn lính đóng ở chung quanh thị trấn (Đồn Trung Thuần, Đồn Phan Long và Đồn Xuân Kiều). Ban đầu lập ra chợ này, mục đích để quân lính các đồn gặp gỡ, vui chơi, trao đổi, mua bán đồ ăn vật dụng, thức nhắm...

Đáng kể, ngày họp chợ nhiều khi cũng là dịp để hội thao luyện binh, đọ tướng, thử sức giữa quân lính các đồn. Sau vì địa thế ở giữa giới hạn hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài nên hai bên đến tụ họp ở đó mà trao đổi sản vật cho nhau. Chính nơi đây đã hội tụ nhiều nhiều yếu tố "thiên thời địa lợi" nên đã sớm hình thành trung tâm thương nghiệp, buôn bán, trao đổi cũng như trung tâm giao lưu văn hóa, vui chơi của nhân dân.
Hàng đan lát tại chợ. Ảnh: N.L

Đến thời Pháp thuộc, chợ được dựng thành 5 đình lớn kế tiếp nhau, mỗi đình rộng từ 20-25 m, dài 60-80 m, nền láng xi măng và mái lợp ngói Hồng Ký. Hai dãy phố xá của Người Việt và Hoa kiều được hình thành với những sản phẩm có tiếng như: thuốc bắc, xăng dầu, trầm hương, vàng mã. Ngoài ra, còn có vài xưởng người tây buôn thuốc lá, rượu, xì gà... Như vậy, từ một chợ nhỏ của một vùng quê, dần dần Ba Đồn đã biến thành một chợ lớn nổi tiếng khắp khu vực Bắc Trung Bộ.

Đến hẹn lại lên, mỗi tháng chợ họp 3 phiên vào các ngày mùng sáu, mười sáu, hai sáu âm lịch và chỉ họp một ngày thì tan. Mỗi phiên có vài ngàn người đổ về từ các vùng đất, Nghệ Tĩnh, Trị, Thiên cho đến Quảng Nam với nhiều sản vật như: lúa, gạo, tơ lụa, săng gỗ, trâu bò... thật náo nhiệt. Dưới bóng mát của các cây ngô đồng, phố xá, lều quán lại mọc lên san sát và hàng hóa từ muôn nơi lại tuôn về chợ chất chồng như núi, như non. Chính nếp sinh hoạt độc đáo của phiên chợ Ba Đồn đã đi vào phương ngôn của người dân một cách nhẹ nhàng, gợi mở mà chân thực: "Ba Đồn là chợ xưa nay/ Tụ nhân, tụ hóa mười ngày một phiên/ Phố phường Nam, Khách hai bên/Khi đông cũng phải vài nghìn người ta".

Ngoài việc mua bán, chợ còn tổ chức các hoạt động giao lưu đấu cờ người, đấu vật, hát bài chòi, đá bóng... Ngày nay, chợ Ba Đồn được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ và nằm cạnh bến đò Cửa Hác (trên vị trí chợ cũ trước đây). Với khuôn viên rộng trên 40.000 m2, chợ được thiết kế có 3 đình xây lợp ngói đã thu hút trên 1.200 hộ kinh doanh. Riêng phiên chợ lại được quy hoạch thành một khu vực sân trời để người dân có cơ hội mua bán.

Truyền thống và độc đáo

Theo dòng thời gian, trải qua bao nhiêu biến động và dịch chuyển song chợ Ba Đồn là một trong số ít các chợ trong tỉnh còn duy trì hình thức sinh hoạt chợ phiên. Cứ tới các ngày họp chợ, các sản vật, hàng hoá từ những làng quê, phố phường... theo các ngả đường bộ, đường sông vẫn đổ về tấp nập và vẫn kẻ bán người mua sầm uất, nhộn nhịp như ngày xưa.

Khách du lịch muốn xem hoặc mua "thượng vàng, hạ cám" hay mua hàng mang tính chất khác biệt (mua sỷ- mua nhiều) thì phải chọn 6 ngày phiên mà đi, bởi lẽ vào những ngày này chợ Ba Đồn mới hội tụ đầy đủ và trọn vẹn những sản phẩm, hàng hóa đặc sắc của vùng xuôi, vùng ngược và số lượng các mặt hàng tăng lên gấp chục lần so với ngày thường. Đặc biệt, đối với phiên gần Tết Nguyên Đán, không chỉ người các làng trong huyện, trong tỉnh, mà người tận Kỳ Anh, Hà Tĩnh... cũng đổ về Ba Đồn đông vui như đi dự hội. Từ tờ mờ sáng khách đã đến họp chợ rất đông thậm chí, để cho kịp chợ phiên sáng, những người ở nơi xa đã chuẩn bị hàng hóa của mình thật chu đáo rồi mang đến chợ từ chiều hoặc đêm hôm trước. Chợ bán đủ mọi thứ từ vải vóc, áo quần, mũ nón, đến rau cỏ, thịt cá, đồ khô, hay hàng ấm chen, bát đĩa, cho đến các động vật sống, nông cụ...

Mỗi một mặt hàng được quy định bày bán theo vị trí sắp xếp từng dãy ngồi và cố định để người mua dễ tìm, dễ trao đổi. Ví như, ưu tiên cho hàng thực phẩm, ăn uống như: bún bánh, ram, chè... ở vị trí cao ráo, rồi thứ tự đến hàng nông sản như: hàng lá (chè xanh, lá vằng), hàng đót (chổi các loại được làm từ cây đót), hàng mây tre đan (rổ, rá, thúng, thang, chõng), hàng củ (khoai, sắn, nghệ, gừng, giềng), hạt giống (cải, ngò, rau muống, lúa, hoa), hàng nông cụ (liềm, dao, rựa, cuốc, xẻng), hàng gạo (nếp, gạo, đậu xanh, đậu đỏ), hàng động vật sống (chó, mèo, gà, chim, vịt, lợn), hàng củi (than hoa, củi khô, tre, nứa), hàng áo quần với đa dạng các mẫu mã, kích cỡ, chủng loại...
Nhiều món ăn truyền thống được chế biến và bày bán vào những ngày phiên. Ảnh: N.L
Hầu hết những hàng hóa bày bán ở chợ phiên là những sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở đôi bờ Sông Gianh từng đi vào hò vè dân gian: "Đồ đan Thọ Đơn/Hàng may Pháp kệ/Hàng chiếu Thanh Sơn/Ngọa Cương làng gốm/Giấy bổ Diên Trường/Nón kinh chợ Ngọa/Mắm cá Cảnh Dương/Khương Hà thao lụa/Thanh Lạng tre nứa/Dao búa Hòa Ninh/Bánh tráng Lộc Điền/Lệ Sơn ngô lạc/Hàng quạt Trung Thuần/Thuận Bài vải sợi...".

Nhưng có lẽ, thu hút người dân nhất vẫn là mặt hàng con giống. Vì cứ vào chợ phiên thì hàng mua bán con giống đông vui nhất, người bán rất nhiều nhưng người đến xem và mua hàng cũng không ngớt. Chỉ cần vào một buổi chợ thôi ta có thể tích lũy được một kho kinh nghiệm về cách chọn chó, chọn lợn, chọn chim...Vào phiên chợ ngày 6, người ta còn tổ chức chợ bò nhằm trao đổi, mua bán trâu, bò của nhân dân trong tỉnh và các nơi khác về để mua trâu, bò giống và trâu, bò thịt. Khi hai bên chấp nhận bán, mua thì người bán và người mua vỗ vào tay nhau thể hiện sự đồng ý.

Khu vực dành cho các món ăn truyền thống cũng khá sôi động. Hòa trong làn khói nghi ngút bốc lên từ những căn lều là vô số những âm thanh khác nhau: tiếng nói chuyện, tiếng bát đũa va vào nhau lách cách...Trong không khí náo nhiệt đó, du khách sẽ phải dừng chân, ngồi xuống và cùng thưởng thức các món ăn đặc sản gắn liền với nhiều vùng quê Quảng Trạch như: thịt chó Quảng Long, bánh ướt Tân An, bánh đúc, bánh xèo Quảng Hòa, bánh dày, bánh lá Hòa Ninh, cháo canh Ba Đồn... với giá cả phù hợp và chất lượng bảo đảm.

Phiên chợ Ba Đồn từ lâu với những nét đẹp cổ truyền đã đi vào tâm hồn của biết bao người dân vùng Quảng Trạch. Đã có rất nhiều ngôi chợ khang trang mọc lên trong vùng nhưng chợ phiên Ba Đồn vẫn thu hút lượng người bán, mua sầm uất nhất bởi những nét riêng độc đáo của nó. Với tuổi đời đã mấy trăm năm, chợ Ba Đồn ngày nay vẫn kiêu hãnh tọa lạc trên một tuyến đường chính của thị trấn Ba Đồn và sẽ moi là một trung tâm kinh tế, thương nghiệp lớn của vùng đất phía bắc tỉnh Quảng Bình.

Ngọc Lưu - baoquangbinh.vn
Bình Luận Facebook
LIKE hoặc SHARE bài viết Ủng Hộ Nhé...
Chia sẻ

div id='fb-root'/>