Người dân quan niệm về tiết canh mát, bổ nhưng thực chất đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Tiết canh là máu tươi của gia súc, gia cầm. Tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.
Có rất nhiều nguồn bổ sung sắt cho cơ thể an toàn hơn là ăn tiết canh sống như ăn tiết, gan, thịt màu đỏ nấu chín, một số loại rau, quả như cải xoong, đậu Hà Lan,…
- Thời gian vừa qua, chúng tôi có thu thập được một số hình ảnh về thực trạng chế biến lòng lợn tiết canh không đảm bảo vệ sinh tại lò mổ và các quán ăn. Vậy, khi người tiêu dùng ăn loại thực phẩm chế biến không sạch sẽ này sẽ có nguy cơ mắc phải những bệnh gì, thưa bác sĩ?
Người ăn có thể nhiễm ấu trùng giun xoắn nếu trong tiết canh hoặc các thực phẩm tái từ lợn có chứa ấu trùng giun này. Khi vào cơ thể chúng phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng. Trứng giun nở thành ấu trùng đi xuyên qua ruột vào máu, đi đến các cơ quan của người nhiễm gây bệnh giun xoắn ở người. Người bệnh sẽ bị đau cơ dữ dội, khó thở do đau cơ hô hấp, khó nuốt do đau thực quản dẫn đến suy kiệt và có thể tử vong. Ở một số người bệnh, ấu trùng này có thể xâm nhập vào cơ tim, não, mắt và gây bệnh lý tại đây.
Khi ăn những thực phẩm hoặc dùng các dụng cụ chế biến như dao, thớt, bát đũa rửa bằng nguồn nước có chứa các vi khuẩn tả, lị, Ecoli thì người ăn có thể bị nhiễm bệnh. Tả, lị thường gây tiêu chảy; thương hàn nhẹ thì gây tiêu chảy, nặng có thể nhiễm trùng huyết và tử vong.
Giun xoắn có thể gây đau cơ, khó thở thậm chí tử vong
- Tháng 6 vừa qua, dịch lợn tai xanh đã bùng phát tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Loại bệnh này có quy trình lây lan như thế nào và gây hậu quả như thế nào cho con người, thưa bác sĩ?
Bình thường trong những con lợn khỏe, có một tỷ lệ nhất định lợn lành mang liên cầu lợn nên vẫn có khả năng miễn dịch được. Khi nhiễm dịch tai xanh (do một loại virus gây suy giảm miễn dịch của lợn – virus này không lây sang người), lợn bị giảm sức đề kháng nên liên cầu lợn có cơ hội bùng phát gây viêm phổi và nhiễm trùng huyết ở lợn.
Cơ chế lây lan có thể qua các vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn, đặc biệt là người ăn tiết canh lợn. Hai bệnh lý hay gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh màng não mủ là bệnh lý nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng điếc tai cho người bệnh. Nhiễm trùng máu là bệnh lý cực kì trầm trọng, đặc biệt thể tối cấp có thể tử vong nhanh chóng. Nhiều bệnh nhân cấp tính, diễn biến thành sốc, suy sụp đa phủ tạng, hoại tử trên da, tại các đầu chi. Nếu được chữa khỏi thì vẫn còn nhiều bệnh nhân vẫn bị hoại tử chân tay, phải cắt cụt ngón chân, tay trở thành người tàn phế.
Một bệnh nhân hoại tử chân tay do nhiễm liên cầu lợn
Ngoài ra, còn một nhóm độc tố sinh ra từ người chế biến thực phẩm, bán hàng có tụ cầu trên tay hoặc mụn nhọt có thể gây ô nhiễm vào thực phẩm. Hai loại vi khuẩn hay gây ngộ độc thức ăn kiểu này là tụ cầu và Clostridium. Các độc tố này bền với nhiệt nên dù rằng sau đó chúng ta có nấu chín những thức ăn này thì độc tố vẫn còn và khi ăn chúng ta vẫn bị nhiễm độc. Các bệnh lý thường gặp là tiêu chảy, buồn nôn nếu không chữa trị kịp thời có thể mất nước và tử vong. Vì vậy, người chế biến, bán thực phẩm phải dùng găng tay nilon khi thao tác trực tiếp với thực phẩm.
Bác sĩ Cấp chia sẻ thêm: "Nên ăn chín, uống sôi, chế biến và bảo quản thức ăn vệ sinh là cách con người bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình".
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Lòng lợn, tiết canh pha nước thải Lòng lợn: Bẩn, hại từ A đến Z
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét